Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính và là bệnh dịch lưu hành tại Việt Nam cũng như toàn cầu, bệnh do vi rút sởi gây ra được lây truyền do tiếp xúc gần với các giọt nước bọt hay chất nhầy bắn ra từ mũi họng người bệnh. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường hay gặp nhất ở trẻ nhỏ và dễ dàng gây thành dịch, đặc biệt là một trong những nguyên nhân hàng đâu gây ra tử vong ở trẻ nhỏ do làm suy giảm miễn dịch.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trước khi có vắc xin sởi (1963) trung bình mỗi năm có khoảng 2,6 triệu trường hợp tử vong sởi và trung bình cứ 2-3 năm lại xảy ra dịch lớn. Trước những thành tựu đạt được sau khi triển khai tiêm vắc xin sởi, Tổ chức Y tế thế giới đã đặt mục tiêu loại trừ bệnh sởi tại cả 5 khu vực trên thế giới vào năm 2020, nhiều quốc gia trên thế giới đã đạt hoặc đang từng bước thực hiện mục tiêu loại trừ bệnh sởi đã đề ra, tuy nhiên trên thực tế bệnh sởi đã tăng trở lại ở nhiều vùng trên thế giới, bao gồm cả châu Âu, châu Phi, Bắc Mỹ và Nam Á từ năm 2008 tới nay với mức ảnh hưởng rộng khắp toàn cầu. Theo báo cáo của WHO đến nay toàn cầu ghi nhận tổng cộng 423.993 trường hợp mắc sởi( bao gồm cả sởi xác định bởi phòng xét nghiệm, lâm sàng và có liên quan dịch tễ học)
Tại Việt Nam dịch sởi dịch sởi xuất hiện từ những tháng cuối năm của năm 2018 tại một số tỉnh miền Bắc và miền Nam và lan rộng ra toàn quốc vào năm 2019. Năm 2019, toàn quốc ghi nhận trên 35.000 trường hợp sốt phát ban (SPB) nghi sởi, 03 trường hợp tử vong (Hòa Bình, Sơn La và Hà Nam) và có gần 10.000 ca Sởi xác định bằng xét nghiệm. Bệnh sởi xuất hiện ở tất cả 63 tỉnh/thành phố trên cả nước, trong đó có những tỉnh/thành có số ca SPB/Nghi Sởi cao như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đắc Lắc….
Để tiến tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi ra khỏi cộng đồng tại Việt Nam trong những năm tới, hàng năm cần phải duy trì tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên vắc xin sởi và vắc xin sởi-Rubella (vắc xin MR) cho trẻ 9 tháng tuổi và trẻ từ 18-24 tháng tuổi đạt tỷ lệ từ 95% trở lên trên quy mô tỉnh, đồng thời triển khai các chiến dịch tiêm vắc xin MR bổ sung cho những vùng nguy cơ cao (vùng có tỷ lệ tiêm dưới 95%, vùng sâu, vùng xa có tỷ lệ giám sát thấp, không đạt chỉ tiêu….). Hoạt động giám sát, phát hiện cũng phải đạt các chỉ tiêu về giám sát ca sởi xác định và ca SPB/nghi sởi (số ca sởi xác định phải < 2 ca/1.000.000 dân/tỉnh và ca SPB/nghi sởi phải đạt trên 2 ca/100.000 dân trên quy mô huyện).
TẤT CẢ TRẺ PHẢI ĐƯỢC TIÊM VẮC XIN PHÒNG SỞI
Bác sĩ Đoàn Anh Huyền – Phó Giám đốc TTYT huyện cho biết, để phòng chống bệnh sởi, cách tốt nhất là tất cả trẻ từ 9 tháng tuổi phải được tiêm vắc xin phòng sởi. Do đó, bên cạnh việc duy trì tốt việc tiêm vắc xin sởi cho trẻ tại trạm y tế từ 9 tháng tuổi, ngành y tế tiếp tục đẩy mạnh truyền thông sâu rộng để phụ huynh hiểu rõ hơn tác dụng, lợi ích của vắc xin; đặc biệt là cách theo dõi và xử trí khi trẻ xảy ra những phản ứng khi tiêm vắc xin, nhằm tránh những thông tin sai lệch, tin đồn không đúng về vắc xin và tiêm chủng, duy trì niềm tin, sự hưởng ứng của cộng đồng với chương trình tiêm chủng mở rộng, không để xảy ra dịch bệnh trong cộng đồng. Đồng thời, nhân viên y tế cũng tiếp tục vận động và khuyến khích các cha mẹ và gia đình tham gia phối hợp cùng ngành y tế cho con đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
|
Trong ảnh: Tiêm vắc xin cho trẻ tại Trạm Y tế xã |
Ngành y tế cũng đã có chỉ đạo các điểm tiêm dịch vụ công lập (gồm các trung tâm y tế huyện, tỉnh) tổ chức triển khai tiêm vắc xin sởi (miễn phí) trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho những đối tượng trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 12 tháng tuổi. Bảo đảm an toàn tiêm chủng và thực hiện quy trình tiêm chủng 4 bước trên phần mềm hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia đối với mỗi đối tượng đến tiêm tại cơ sở. Thông báo ngày tổ chức tiêm vắc-xin sởi cho trẻ trong nhóm tuổi này đến các phòng tiêm vắc xin dịch vụ tư nhân biết để những nơi này chuyển đối tượng khi có nhu cầu. Tại tất cả các cơ sở tiêm chủng dịch vụ công lập và tư thục đều buộc phải tư vấn và hướng dẫn gia đình trẻ tiêm vắc xin sởi tại các trạm y tế hoặc tại trung tâm y tế huyện.
Đối với các đơn vị khám chữa bệnh cần báo cáo sớm các trường hợp bệnh sốt phát ban nghi sởi – rubella ngay khi có ca bệnh để điều tra kịp thời; đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm của tất cả các trường hợp bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi - rubella (cả người lớn và trẻ em) đến khám, điều trị tại trung tâm y tế. Mẫu bệnh phẩm phải được bảo quản đúng quy định và gửi cùng với phiếu điều tra ca bệnh về Trung tâm kiểm soát bệnh tật trong vòng 2 ngày.
-Cao Thị Thảo – GDTT-