Tính từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện Cư Jút đã ghi nhận 89 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết vào mùa mưa trên địa bàn, Trung tâm y tế huyện Cư Jut đã xây dựng và triển khai kế hoạch nhằm tập trung khống chế tỷ lệ mắc bệnh do sốt xuất huyết, khống chế không để dịch lớn xảy ra.
Theo thống kê hàng ngày của Trung tâm y tế (Khoa KSBT HIV/AIDS) hiện còn 3 ổ dịch sốt xuất huyết đang hoạt động. Trong đó, tại thị trấn Ea Tling có 2 ổ dịch ở Bon U2 và TDP 1; 01 ổ dịch ở thôn Thanh Tâm xã Ea Pô. Để kịp thời dập tắt và không để xuất hiện ổ dịch sốt xuất huyết; Trung Tâm đã tiến hành phun hóa chất diệt muỗi loại Hantox-200 tại các địa bàn trọng điểm xảy ra sốt xuất huyết. Đồng thời, tổ chức các đợt giám sát vec tơ chủ động; xử lý hàng ngàn dụng cụ chứa nước có lăng quăng bọ gậy sinh sống. Đồng thời, phát động chiến dịch diệt bọ gậy và phun hóa chất được triển khai đúng tiến độ và đạt hiệu quả, các hoạt động giám sát, truyền thông, xử lý dịch được triển khai kịp thời, đúng quy định.
Theo Bác sĩ Đoàn Anh Huyền, Trưởng khoa kiểm soát dịch bệnh HIV/AIDS, Trung tâm y tế huyện Cư Jút, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn huyện đã xuất hiện 6 ổ dịch, với 89 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó, xã Ea Pô có số ca mắc nhiều nhất với 31 trường hợp; xã Trúc Sơn 22 trường hợp; thị trấn Ea Tling 17 trường hợp, xã Nam Dong 8 trường hợp. Theo chu kỳ bệnh sốt xuất huyết thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 6, 7, 8, 9, 10. Theo đó, trước khi bước vào mùa mưa năm nay, Trung tâm y tế huyện CưJút đã chỉ đạo cho bộ phận y tế dự phòng và Trạm y tế các xã, thị trấn thường xuyên bám sát địa bàn để giám sát mật độ lăng quăng, kịp thời xử lý khi mật độ lăng quăng cao và xuất hiện ca bệnh, không để lây lan diện rộng. Đồng thời, xây dựng kế hoạch hoạt động phòng chống sốt xuất huyết, tổ chức họp phân công nhiệm vụ từng thành viên tuyên truyền người dân thu gom phế thải, hướng dẫn biện pháp phòng bệnh, thau rửa chum vại, đậy nắp, thả cá, xử lý dụng cụ đựng nước để không còn lăng quăng; thống kê số hộ có dụng cụ chứa nước có lăng quăng, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi và hướng dẫn cách xử lý để hạn chế muỗi gây bệnh. Nhờ vậy, so với năm 2022, bệnh sốt xuất huyết ở huyện CưJút đã giảm đáng kể, ý thức phòng bệnh của người dân được nâng cao.
Hiện thời tiết đang có nhiều diễn biến phức tạp, nóng lạnh thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh trưởng và phát triển mạnh. Nếu không chủ động phòng chống dịch, bệnh sốt xuất huyết sẽ bùng phát mạnh, nhất là những khu vực đông dân cư sinh sống. Sốt xuất huyết vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả là diệt muỗi, diệt lăng quăng, cắt đứt đường lây truyền của muỗi và phòng muỗi đốt. Vì vậy bên cạnh các giải pháp khống chế bệnh của ngành y tế, người dân cần nâng cao ý thức tự giác, bởi nếu lơ là nguy cơ sốt xuất huyết bùng phát có thể xảy ra. Có thể nói, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch do vi rút Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Do vậy, mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp như: diệt lăng quăng, diệt muỗi, phát quang bụi rậm, vệ sinh nhà cửa, nơi ở sạch sẽ, ngủ mùng dù ban ngày hay ban đêm, mặc quần áo dài tay để tránh bị muỗi đốt./.
Cao Thị Thảo