Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, nếu không phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, hạn chế thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong, Trung tâm y tế huyện Cư Jút đã triển khai các biện pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm đã tiếp nhận 80ca mắc bệnh tay chân miệng. Trong đó, tập trung chủ yếu ở xã Tâm Thắng với 21ca, thị trấn Ea Tling 17 ca, xã CưKnia 11 ca, xã Nam Dong 13ca. Bệnh tay chân miệng có các biểu hiện như sốt và tổn thương ở da; một số trẻ chỉ có biểu hiện loét miệng hoặc nổi nốt nhỏ trên da, nếu không chú ý thì rất khó phát hiện. Để kịp thời phát hiện và xử lý các ổ dịch tay chân miệng ở địa phương, Trung tâm đã tổ chức phân tuyến điều trị, phân luồng khám bệnh, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Thực hiện tốt phòng tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, đặc biệt phòng việc lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã chuẩn bị đầy đủ thuốc, phương tiện, vật tư, hóa chất cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân và đáp ứng các tình huống dịch bệnh; tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.
Bác sỹ Nguyễn Công Minh, Trưởng trạm Y tế TT Eatling cho biết: Do đặc tính bệnh tay chân miệng là loại bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan, nhất là trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, do đó, phụ huynh cần lưu ý theo dõi tình hình sức khỏe của trẻ để phát hiện, điều trị kịp thời, không để xảy ra các biến chứng nguy hiểm cho trẻ em. Đặc biệt, bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trẻ em dưới 15 tuổi, nhóm tuổi hay gặp nhiều nhất là trẻ dưới 3 tuổi hầu hết ở nhóm tuổi gửi tư thục mầm non; hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Dự báo dịch bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng vào khoảng thời gian tới đây do tính chất lây truyền; kỹ năng vệ sinh cho trẻ, chưa thực hiện rửa tay với xà phòng thường xuyên…
Vì vậy, bên cạnh việc phát hiện sớm các ổ dịch mới phát sinh, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; các địa phương cũng cần tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ, triển khai tích cực các hoạt động vệ sinh môi trường, nâng cao sức khoẻ nhân dân; ngoài ra các bậc phụ huynh cho trẻ nhỏ thực hiện chín, uống nước sôi để nguội; ăn uống sạch, ở sạch, bàn tay sạch và chơi đồ sạch.
Bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày. Nhất là thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống sôi, đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh./.
Cao Thị Thảo